Suốt hàng thế kỷ, con người đã đổ lỗi cho trăng tròn vì những hành vi bất thường. Chẳng hạn vào thời trung cổ, người ta khẳng định trăng tròn có thể biến con người thành ma sói. Vào những năm 1700, quan niệm phổ biến tin trăng tròn có thể gây sốt hoặc động kinh. Chúng ta thậm chí còn thay đổi ngôn ngữ cho phù hợp với niềm tin của mình. Chữ “lunatic” (người mất trí) bắt nguồn từ gốc “luna” trong tiếng La-tinh có nghĩa là mặt trăng.
Ngày nay, (hầu hết) chúng ta đều suy nghĩ hợp lý hơn. Mặc dù ta không còn đổ lỗi cho các tuần trăng vì những ốm đau bệnh tật nữa, nhưng bạn sẽ nghe thấy người khác lấy nó để giải thích qua loa cho những hành vi điên rồ. Ví dụ, có câu chuyện phổ biến trong lĩnh vực y khoa là cứ vào một buổi tối hỗn loạn ở bệnh viện thì thường sẽ có một y tá bảo rằng, “Đêm nay trăng chắc sẽ tròn đây.”
Có rất ít chứng cứ cho thấy trăng tròn thật sự tác động đến hành vi của chúng ta. Một phân tích hoàn chỉnh của hơn 30 nghiên cứu do các chuyên gia đánh giá đã không tìm thấy bất kỳ mối tương quan nào giữa trăng tròn với số người nhập viện, số tiền trả cho người thắng cược, số vụ tự sát, số vụ tai nạn giao thông, tỷ lệ phạm tội và nhiều sự kiện phổ biến khác. Nhưng ở đây có một điểm thú vị: Mặc dù nghiên cứu chứng minh điều ngược lại, một nghiên cứu vào năm 2005 cho biết cứ 10 y tá thì có 7 người vẫn tin “trăng tròn khiến đêm đó hỗn loạn và nhiều người nhập viện hơn”.
Chuyện gì đang diễn ra ở đây?
Những y tá tin trăng tròn gây ra các hành vi bất thường không hề ngớ ngẩn. Họ chỉ là nạn nhân của một sai lầm phổ biến về tinh thần có tác động tiêu cực đến tất cả chúng ta. Các nhà tâm lý học gọi sai lầm nhỏ này của não bộ là “ sự liên tưởng phi thực tế ”. Đây là cách mà lối suy nghĩ này diễn ra…
Những y tá tin trăng tròn gây ra các hành vi bất thường không hề ngớ ngẩn. Họ chỉ là nạn nhân của một sai lầm phổ biến về tinh thần có tác động tiêu cực đến tất cả chúng ta. Các nhà tâm lý học gọi sai lầm nhỏ này của não bộ là “ sự liên tưởng phi thực tế ”. Đây là cách mà lối suy nghĩ này diễn ra…
Cách ta vô thức đánh lừa chính mình
Sự liên tưởng phi thực tế xảy khi ta cường điệu hóa một cách bất hợp lý một kết quả và phớt lờ những kết quả khác. Ví dụ, giả sử bạn đến thăm New York và có ai đó chen ngang khi bạn lên tàu điện ngầm. Sau đó bạn vào một nhà hàng và nhân viên phục vụ cư xử thô lỗ với bạn. Cuối cùng, bạn hỏi đường một người lạ trên phố và họ làm ngơ bạn. Khi ngẫm lại chuyến đi New York, thật dễ dàng để bạn nhớ về những trải nghiệm này và kết luận “người New York thật thô lỗ” hay “người ở thành phố lớn rất thô lỗ.” Tuy nhiên, bạn lại quên mất những bữa ăn ở nơi có người phục vụ cư xử lễ độ hay hàng trăm con người lịch sự bạn đi ngang qua ở ga tàu. Đây đúng là những sự kiện không đặc biệt vì chẳng có điều gì đáng chú ý xảy ra cả. Kết quả là bạn dễ nhớ những lúc ai đó hành xử thô lỗ với mình hơn là những lúc bạn dùng bữa vui vẻ hoặc lên tàu một cách suôn sẻ. Đây là lúc khoa học não bộ vào cuộc: Hàng trăm nghiên cứu tâm lý đã chứng minh ta thường đánh giá quá cao tầm quan trọng của các sự kiện dễ nhớ và đánh giá quá thấp tầm quan trọng của các sự kiện khó nhớ. Sự kiện càng dễ nhớ thì ta càng có thể tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa hai sự kiện vốn chẳng mấy liên quan hay thậm chí là hoàn toàn không liên quan đến nhau.
Làm thế nào để phát hiện sự liên tưởng phi thực tế?
Có một chiến lược đơn giản mà bạn có thể sử dụng để phát hiện những giả định tiềm ẩn của mình và ngăn không cho bản thân có sự liên tưởng phi thực tế. Chiến thuật này gọi là “bảng sự kiện ngẫu nhiên” và nó buộc bạn phải nhận biết được những sự kiện không đặc biệt vốn dễ bị bỏ qua trong đời sống thường nhật. Hãy phân tích những khả năng xảy ra trăng tròn và một đêm bận rộn với nhiều người nhập viện.
- Ô A: Trăng tròn và một đêm bận rộn. Đây là sự kết hợp dễ nhớ và được trí nhớ nhấn mạnh một cách thái quá vì ta có thể dễ dàng hồi tưởng lại nó.
- Ô B: Trăng tròn nhưng không có gì xảy ra. Đây là sự kiện không đặc biệt và không nổi bật trong trí nhớ của ta vì chẳng có gì thật sự xảy ra cả. Khó mà nhớ đến một điều không xảy ra và ta có khuynh hướng phớt lờ ô này.
- Ô C: Không có trăng tròn nhưng là một đêm bận rộn. Ta dễ dàng xem sự kiện này đơn giản chỉ là “một ngày làm việc bận rộn.”
- Ô D: Không trăng tròn và là một đêm bình thường. Chẳng có gì đáng nhớ xảy ra nên những sự kiện này cũng rất dễ bị phớt lờ.
Bảng sự kiện ngẫu nhiên này giúp tiết lộ những gì đang diễn ra trong tâm trí của các y tá vào một đêm trăng tròn. Họ nhanh chóng nhớ lại lần có trăng tròn và bệnh viện bị quá tải nhưng hoàn toàn quên mất những lần trăng tròn khác mà lượng bệnh nhân vẫn bình thường. Vì dễ nhớ lại ký ức về một đêm trăng tròn vô cùng bận rộn nên họ có giả định sai lầm rằng hai sự kiện này liên quan đến nhau.
Tôi biết đến chiến lược bảng sự kiện ngẫu nhiên lần đầu khi đang đọc quyển 50 Great Myths of Popular Psychology và tôi thấy cái bảng đơn giản này có thể áp dụng vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cách tốt nhất là bạn nên ghi số lần xuất hiện vào mỗi ô để từ đó có thể so sánh tần suất mà mỗi sự kiện thật sự xảy ra, con số này thường sẽ rất khác so với tần suất mà bạn nhớ được đối với từng sự kiện.
Làm thế nào để điều chỉnh tư duy sai lầm?
Ta có sự liên tưởng phi thực tế trong nhiều khía cạnh của cuộc sống:
- Bạn nghe Bill Gates hoặc Mark Zuckerberg bỏ học đại học để mở một doanh nghiệp tỷ đô, và bạn đánh giá quá cao câu chuyện đó trong đầu. Trong khi đó, bạn chưa bao giờ nghe đến những người bỏ học đại học gặp thất bại trong việc xây dựng công ty. Bạn chỉ nghe về thành công và chưa bao giờ nghe về thất bại dù thất bại xảy ra nhiều hơn rất nhiều.
- Bạn thấy người của một dân tộc hoặc chủng tộc bị bắt và bạn mặc nhiên cho rằng tất cả những ai có lý lịch như vậy đều có khả năng phạm pháp. Bạn chưa bao giờ nghe về 99% những người vô tội vì đó là một sự việc không đặc biệt.
- Bạn nghe về một vụ cá mập tấn công trên bản tin và không chịu ra tắm trong suốt kỳ nghỉ trên biển tiếp theo. Tần suất cá mập tấn công không hề tăng lên kể từ lần cuối bạn đi biển, nhưng bạn chưa bao giờ nghe về hàng triệu người bơi lội an toàn trên biển mỗi ngày. Tiêu đề: “Hàng Triệu Du Khách Chơi Trên Biển Mỗi Ngày” không bao giờ xuất hiện trên bản tin. Bạn nhấn mạnh quá mức câu chuyện mình nghe được và có sự liên tưởng phi thực tế.
Hầu hết chúng ta không ý thức được cách bộ nhớ có chọn lọc sự kiện của mình ảnh hưởng thế nào đến niềm tin của mình trong cuộc sống hàng ngày. Khả năng ghi nhớ những sự việc không xảy ra của ta cực kỳ kém. Nếu không nhìn thấy sự việc đó thì ta sẽ xem như nó không ấn tượng hoặc hiếm khi xảy đến.
Nếu bạn hiểu được những sai lầm trong tư duy như thế diễn ra như thế nào và áp dụng chiến lược như Bài Kiểm Tra Bảng Sự Kiện Ngẫu Nhiên được đề cập ở trên, bạn có thể thấy được những giả định tiềm ẩn nằm ngoài dự đoán của bạn, và bạn cũng có thể điều chỉnh lối suy nghĩ sai lầm thường ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Tác giả: James Clear