Tử Vi, hay Tử Vi Đẩu Số, là một bộ môn huyền học được dùng với các công năng chính như: luận đoán về tính cách, hoàn cảnh, dự đoán về các ” vận hạn” trong cuộc đời của một người đồng thời nghiên cứu tương tác của một người với các sự kiện, nhân sự…. Chung quy với mục đích chính là để biết vận mệnh con người. Nó được xây dựng trên cơ sở chính của thuyết thiên văn: Cái Thiên, Hỗn Thiên, Tuyên Dạ và triết lý Kinh Dịch với các thuyết âm dương, ngũ hành, Can Chi. Lá số tử vi bao gồm 12 cung chức , 01 cung an Thân và khoảng 108 sao và được lập thành căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính và lý giải những diễn biến xảy ra trong đời người.
Tử vi là tên một loài hoa màu tím. Từ ngàn xưa Khoa Chiêm tinh Tướng mệnh Đông phương thường dùng loại hoa màu tím này để chiêm bốc. Ngoài ra Tử là Tím, còn Vi là Huyền Diệu. Cũng có người cho rằng tên gọi được lấy từ sao Tử Vi (chúa tể các vì sao), một ngôi sao quan trọng nhất trong môn bói toán này.
Nguồn gốc khoa Tử vi
Khoa Tử-vi được đắc dụng vào niên hiệu Càn-đức nguyên niên, đời vua Thái-tổ nhà Tống (863), cho đến nay trên một ngàn năm chưa có sử gia nào chép về lịch sử cả. Các Tử vi gia thường chỉ chú ý đến việc giải đoán tử vi hơn là đi tìm hiểu lịch sử. Bởi vậy cho đến nay, lịch sử khoa này vẫn còn lờ mờ. Thậm chí có người còn lầm lẫn khoa Tử vi với những chuyện truyền kỳ hoang đường.
Đời Gia Tĩnh (vua Minh Thế Tông) có lưu truyền cuốn Tử vi Đẩu số Toàn thư do tiến sĩ La Hồng Tiên biên soạn. Lời tựa nói Tử Vi đẩu số toàn thư là của tác giả Hi Di Trần Đoàn.
Bài tựa viết như sau:
- “Thường nghe nói cái lý của số mệnh rất huyền vi ít ai biết cho tường tận để mà thuận thụ coi công danh phú quý trên đời đều có mệnh.
- Tôi vì muốn biết nên đă tới tận núi Hoa Sơn chỗ ông Hi Di Trần Đoàn đắc đạo để chiêm bái nơi thờ tự của bậc đại hiền. Lúc ra về thì thấy một vị cao niên thái độ ung dung chân thực đưa cho tôi cuốn sách mà bảo: “Đây là Tử vi đẩu số tập của Hi Di tiên sinh”.
Các sách về Tử vi sau này cũng đều thống nhất rằng người đầu tiên tổng hợp, hệ thống lại thành môn bói này là Trần Đoàn tức Hi Di Lão Tổ, sống vào đời Bắc Tống, Trung Quốc.
Trần Đoàn, tự Hi Di, người đất Hoa Sơn ngày nay về phía Nam huyện Hoa Âm tỉnh Thiểm Tây. Tương truyền rằng khi ra đời, ông bị sinh thiếu tháng, nên mãi hơn hai năm mới biết đi, thủa nhỏ thường đau yếu liên miên. Trần Đoàn học văn không thông, học võ không đủ sức, thường suốt ngày theo phụ thân ngao du khắp non cùng thủy tận.
Thân phụ Trần Đoàn là một nhà thiên văn, lịch số đại tài đương thời. Về năm sinh của tiên sinh không một thư tịch nào chép. Nhưng căn cứ vào bộ Triệu thị Minh thuyết Tử Vi kinh, khi Trần Đoàn yết kiến Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn vào niên hiệu Càn Đức nguyên niên (năm 963 Dương lịch) có nói: “Ngô kim nhật thất thập hữu dư” nghĩa là “tôi năm nay trên bảy mươi tuổI”. Vậy có thể Trần Đoàn ra đời vào khoảng 888-893 tức niên hiệu Vạn Đức nguyên niên đời Đường Hy Tông đến niên hiệu Cảnh Phúc nguyên niên đời Đường Chiêu Tông. Trần Đoàn bắt đầu học thiên văn năm 8 tuổi.
Bộ Triệu thị Minh thuyết Tử Vi kinh thuật rằng:
- “Tiên sinh 8 tuổi mà tính còn thơ dại. Lúc nào cũng ngồi trong lòng thân phụ. Một hôm thân phụ tiên sinh phải tính ngày giờ mưa bão trong tháng, bị tiên sinh quấy rầy, mới dắt tiên sinh ra sân, chỉ lên bầu trời đầy sao mà bảo:
– Con có thấy sao Tử Vi kia không? Đáp: – Thấy. Lại chỉ lên sao Thiên Phủ mà hỏi: – Con có thấy sao Thiên Phủ kia không? Đáp: – Thấy – Vậy con hãy đếm xem những sao đi theo sao Tử Vi và Thiên Phủ là bao nhiêu? Thân phụ tiên sinh tưởng rằng tiên sinh có đếm xong cũng trên nữa giờ. Không ngờ ông vừa vào nhà, tiên sinh đã chạy vào thưa: – Con đếm hết rồi. Đi sau sao Tử Vi là 5 sao, như vậy chòm sao Tử Vi có 6 sao. Đi sau sao Thiên Phủ là 7 sao, như vậy chòm Thiên phủ có 8 sao. Từ đấy tiên sinh được thân phụ hết sức truyền khoa thiên văn và lịch số”[1]
Trên đường nghiên cứu, chúng tôi tìm được một số thư tịch rải rác sau đây, biên tập sơ lược về khoa này. Tôn trọng đúng nguyên tắc sử gia Đông phương, những gì nghi ngờ thì để nguyên, mà cổ nhân gọi là nghi dĩ truyền nghi.
Các tác phẩm tử vi sau Tử vi đẩu số toàn thư
Trên đường nghiên cứu, chúng tôi tìm được một số thư tịch rải rác sau đây, biên tập sơ lược về khoa này. Tôn trọng đúng nguyên tắc sử gia Đông phương, những gì nghi ngờ thì để nguyên, mà cổ nhân gọi là nghi dĩ truyền nghi. Sau Tử vi đẩu số toàn thư của Hi Di Trần Đoàn có các tác phẩm
1. Tử-vi chính nghĩa
Bộ này do Hy Di tiên sinh truyền cho Tống thái-tổ là Triệu Khuông Dẫn. Bản chúng tôi có là bản chép tay của Hoa-yên tự. Bản này được tàng trữ tại Quốc sử quán triều Nguyên, năm 1955 trong một cuộc chính biến lật đổ Quốc trưởng Bảo-Đại chúng tôi sưu tầm được.
2. Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh Chúng tôi có hai bản. Bản chép tay gia truyền, cũng chép từ chính bản của Hoa-yên tự. Một bản nữa của Cẩm-chướng thư cục Thượng-Hải ấn hành năm 1921. Hai bản không khác nhau là bao. Bởi gốc của bộ sách này là bộ Tử-vi chính nghĩa. Sau khi được Hy Di tiên sinh truyền cho, Triệu Khuông Dẫn và con cháu nhà Tống nghiên cứu rộng ra mới đặt cho một tên mới là Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh. Có nghĩa là họ Triệu giảng giải rõ ràng về bộ Tử-vi kinh. Bộ này được Hoàng Bính truyền sang Việt Nam vào niên hiệu Nguyên phong thứ 7 đời vua Trần Thái Tông (1257), Hoa-yên tự chép lại và lưu truyền tới nay.
3. Đông-a di sự
Bộ này không phải là bộ sách nghiên cứu về Tử-vi, mà là bộ sách chép các học thuật đời Trần, trong đó có phần chép về Tử-vi. Bộ sách do ba người liên tiếp chép, đó là Huệ Túc phu nhân vợ của Trần Thái Tông; Đoàn Nhữ Hài, một vị Tể tướng đời Trần, học trò của Huệ Túc; Trần Nguyên Đán, một vị bác học cuối đời Trần. Bản chúng tôi có là bản do Trần Nguyên Đán khắc bản mộc năm 1388.
4.Tử-vi đại toàn
Bộ này do các văn thần nhà Thanh nghiên cứu, tổng hợp hết các sách cổ kim về Tử-vi, chép lại. Đây không phải là bộ biên tập, nghiên cứu mà chỉ là bộ sao chép lại mà thôi. Bản chúng tôi có là bản sao, đề rằng do Cẩm-Chướng thư cục Thượng-hải xuất bản năm 1921.
5.- Tử-vi đẩu số toàn thư
Do La Hồng Tiên biên soạn rất giản lược, nhưng giống bộ Tử-vi chính nghĩa. Có thể nói đây là bộ Tử-vi chính nghĩa yếu lược. Bộ này do Cẩm Chướng thư cục xuất bản năm 1921 tại Thượng-hải. Sau này ông Vũ Tài Lục có dịch nhưng dịch một phần rất ngắn, và không chú giải. La Hồng Tiên sống vào đời Minh.
Trên đây là 5 bộ Tử-vi được coi là chính thư hay do chính phái biên tập. Ngoài ra còn một vài bộ dưới đây bị coi là tạp thư, tá phái nhưng chúng tôi vẫn nghiên cứu đầy đủ.
6. Tử-vi Âm-dương chính nghĩa
Bộ này do Lã Ngọc Thiềm và các tử-vi gia thuộc Bắc phái biên tập, nên thường thêm chữ Bắc-tông để phân biệt với Nam-tông. Bản chúng tôi có là bản chép tay.
7.- Tử-vi Âm-dương chính nghĩa
Do Ma-y biên soạn vào đời Tống, sau được các Tử-vi gia thuộc Nam-phái bổ túc sửa đổi, nên thường thêm chữ Nam-tông để phân biệt với Bắc-tông. Bộ này khắc bản in vào đời Thanh triều Khang-Hy, nhưng không ghi rõ năm nào.
8. Tử-vi thiển thuyết
Bộ tổng luận về Tử-vi do Lưu Bá Ôn, một đại thần khai quốc nhà Minh biên soạn. Bản chuúng tôi có là bản khắc in vào đời Thanh triều Khang Hy, nhưng không ghi rõ năm nào.
9. Lịch số tử-vi toàn thư
Bộ này do Hứa Quang Hy đời Minh biên soạn. Bản chúng tôi có là bản chép tay. Ngoài ra chúng tôi sưu tầm được khoảng trên hai mươi bộ sách khác, nhưng tựu trung mô phỏng các bộ sách trên đây cả nên không bàn tới.
Đối tượng của xem bói
Đối tượng của xem bói trong tử vi là số mệnh con người.
Số mệnh con người được xét trong tử vi là số phận con người gắn liền với gia đình, dòng họ (ông bà, bố mẹ, anh em, con cái) và những mối quan hệ xã hội.
Du nhập vào Việt Nam
Tuy xuất phát từ Trung Quốc, Tử Vi không được nổi bật lắm trong các môn bói toán khác. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó trở thành môn học được ưa chuộng nhất. Có rất nhiều học giả Việt nam đã cống hiến thêm cho môn nầy, trong đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Quý Đôn. Dần dần, Tử Vi Việt Nam có thêm những dị biệt so với Tử Vi nguyên thủy của Trung Quốc.
Những dị biệt giữa Tử Vi Việt Nam và Trung Quốc bao gồm:
- Cách an mệnh của Tử Vi Việt nam bắt đầu từ cung Dần, trong khi một số phái tử vi Trung quốc bắt đầu từ cung Tý
- Cách tính tuế hạn của Tử Vi Việt Nam tùy thuộc vào chi của tuổi người xem. Trong khi tuế hạn của Trung quốc cố định?
Các sao trong Tử vi
Bộ Tử Vi Chính Nghĩa được coi như là chính thư không thấy nói về số sao. Song xét trong mục dạy an sao thì có 93 sao. Nhưng những lá số phụ lục thì chỉ chép có 89 sao. Không thấy an sao Thiên thương, Thiên sứ, Thiên la, Địa võng. Điều này dễ hiểu bởi 4 sao trên đều ở vị trí cố định, không cần thiết an vào.
Có môn phái Tử vi an tới 118 sao. Mỗi ngôi sao có một ý nghĩa. Sao này khi tương tác với sao khác lại có ý nghĩa khác.
Gồm Chính tinh, phụ tinh, cát tinh, phúc tinh, sát tinh, hung tinh, bàng tinh…
Theo Hi Di tiên sinh thì 93 sao đó là:
14 chính tinh
– Vòng Tử Vi có 6 sao: sao Tử vi, Thiên cơ, Thái dương, Vũ khúc, Thiên đồng và Liêm trinh.
– Vòng Thiên Phủ có 8 sao: Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát và Phá quân.
Các phụ tinh
Các sao này mang bản sắc riêng biệt được an định trong 12 Cung trên một Thiên Bàn:
Vòng Thái tuế – 5 sao là Thái tuế, Tang môn, Bạch hổ, Điếu khách, Quan phù. Các phái khác thêm vào 7 sao nữa là: Thiếu dương, Thiếu âm, Trực phù, Tuế phá, Long đức, Phúc đức, Tử phù.
Vòng Lộc tồn – 15 sao là Lộc tồn,Bác sĩ, Lực sĩ, Kình dương,Thanh long,Tiểu hao, Tướng quân, Tấu thư, Phi liêm, Hỷ thần, Bệnh phù, Đại hao, Phục binh, Quan phủ, Đà la.
Vòng Trường sinh – 12 sao là Trường sinh, Mộc dục, Quan đới, Lâm quan, Đế vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng.
Các sao an theo tháng – 6 sao là Tả phụ, Hữu bật, Thiên hình, Thiên giải, Địa giải, Thiên riêu.
Các sao an theo giờ – 8 sao Văn xương, Văn khúc, Thai phụ, Phong cáo, Địa không, Địa kiếp,Hỏa tinh, Linh tinh. Vị trí chính của sao Thiên Không được các phái khác thay bằng sao Địa Không, còn sao Thiên Không thì được an liền sau sao Thái Tuế và đồng cung với Thiếu dương.
Các sao an theo ngày – 4 sao là Tam thai, Bát tọa, Ân quang, Thiên quý.
Tứ Hóa – 4 sao là Hóa Lộc, Hóa Quyền, Hóa Khoa, Họa Kỵ
Các sao an theo Chi – 15 sao là Long trì, Phượng các, Thiên đức, Nguyệt đức, Hồng loan, Thiên hỉ, Thiên mã, Hoa cái, Đào hoa, Phá toái, Kiếp sát, Cô thần, Quả tú, Thiên khốc, Thiên hư. Hai Sao Hỏa tinh và Linh tinh được các phái khác an theo giờ sinh.
Các sao an theo Can – 5 sao là Lưu hà, Thiên khôi, Thiên việt, Tuần không, Triệt không.
Các sao cố định – 4 sao là Thiên thương, Thiên sứ, Thiên la, Địa võng.