Ngày xưa, xuất hành hoặc làm việc gì cũng phải chọn được “ngày tốt Hoàng đạo” để làm hòn đá tảng tâm lý cho hành động của con người. Ngày tốt Hoàng đạo có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Về nghĩa rộng, bất cứ ngày tốt nào chọn ra được bằng bất cứ phương pháp suy luận nào cũng có thể gọi là ngày Hoàng đạo. Còn theo nghĩa hẹp thì ngày Hoàng đạo là ngày do sao Hoàng đạo làm chủ.
Từ rất xưa, ở Trung Quốc đã có khái niệm “Nhị thập bát tú là chỗ ở của mặt trời và mặt trăng”, nghĩa là ngay từ khi hình thành hệ thống Nhị thập bát tú đã có khái niệm Hoàng đạo rồi. Sách “Cam thạch tinh kinh” đời Tây Hán đã nói đến “Hoàng đạo quy”. “Hoàng đạo quy” tức là vòng hoàng đạo trong bầu trời. Nhưng Hoàng đạo trước hết chỉ là quỹ đạo vận hành của mặt trời trên bầu trời mà người ta quan sát được, dùng để thuyết minh sự vận hành của nhật, nguyệt, ngũ tinh và sự thay đổi tiết khí. Vì thế, người xưa đã theo hướng từ Tây sang Đông, phân chia vùng trời gần Hoàng đạo thành 12 phần bằng nhau như Tinh kỷ, Huyền triêu, Tôn tử,… gọi là “thập nhị thứ”. Mỗi thứ đều có tọa độ của những sao nào đó trong Nhị thập bát tú. Ví dụ như Tinh kỷ có hai chòm sao Đẩu, Ngưu; Huyền hiêu có 3 chòm Nữ, Hư, Ngụy,… Quan hệ của Thập Nhị thử với Nhị thập bát tú như sau:
T.T | Thập nhị thứ | Nhị thập bát tú |
1 | Tinh kỷ | Đẩu, Ngưu, Nữ |
2 | Huyền hiêu | Nữ, Hư, Nguy |
3 | Tân tử | Nguy, Thất, Bích, Khuê |
4 | Giáng lâu | Khuê, Lâu, Vị |
5 | Đại lương | Vị, Mão, Tất |
6 | Thực thẩm | Tất, Chủy, Sâm, Tỉnh |
7 | Thuần hư | Tỉnh, Quỷ, Liễu |
8 | Thuần hỏa | Liễu, Tinh, Trương |
9 | Thuần vĩ | Trương, Dực, Chẩn |
10 | Thọ tinh | Chẩn, Giác, Cang, Đê |
11 | Đại hỏa | Đê, Phòng, Tâm, Vĩ |
12 | Tích mộc | Vĩ, Cơ, Đẩu |
Vì Thập nhị thứ được chia bằng nhau, còn Nhị thập bát tú thì có độ rộng, hẹp khác nhau, cho nên đầu mốc của mỗi thứ và giới hạn giữa tú với tú không thể nhất trí với nhau, không ít chòm sao lệ thuộc vào hai “thứ” cạnh nhau. Tình hình trên là do nguyên nhân đó tạo ra.
Hoàng đạo vốn chỉ là quỹ đạo vận hành của mặt trời mà người xưa quan sát được. Không có hàm nghĩa cát hung. Nhưng người Trung Quốc xưa hết sức kính Trời, coi trời là Càn, là Vua, là cha, cho rằng Trời là “Chúa ngự quần linh, cai quản sự sống chết của muôn vật”, có uy lực tối cao vô thượng, cho nên gọi trời là “Tư mệnh”. Vì trời nắm sự phát triển thịnh suy của muôn vật, cho nên gọi là “Thiên phù” về sau đổi lại “Thiên phủ”. Mà mặt trời, với hình thể sáng chói, cụ thể, có thể quan sát được, đem lại ánh sáng và hơi ấm cho vạn vật, nuôi sống vạn vật, làm cho vạn vật phát triển, chín muồi, đem lại nguồn cơm áo vô tận nuôi sống, phát triển loài người, chính vì mặt trời cũng như trời, được người Trung Quốc xưa sùng bái. Mặt trời, hữu hình, còn trời vô hình. Không biết từ đời nào, quỹ đạo vận hành của mặt trời đã tưỏng tượng là con đường ra vào của hoàng thiên thượng đế và được tôn sùng gọi là “Thiên hoàng đạo”. Người sau giải thích: “Thiên” là chúa tể muôn vật, “hoàng” (màu vàng) là màu sắc trung ương, “đạo” là con đường. Ngọc hoàng tuần hành trong thâm cung, cho nên được gọi là “Thiên hoàng đạo”. Mà khi thần đế tuần hành trên hoàng đạo, thì hàng năm, hàng tháng, hàng ngày đều có các thiên thần tương ứng lần lượt chủ trị. Rõ ràng là, điều thần kỳ này có tốt, có xấu, có thiện, có ác. Thần thiện gọi là “Hoàng đạo”, thần ác gọi là “Hắc đạo”. Hoàng đạo cũng như Hắc đạo, đều có 6 vị, với tên gọi như sau:
Hoàng đạo lục thần (6 vị thần thiện Hoàng đạo) gồm: Thanh Long, Minh Đường, Kim Qũy, Thiên Đức, Ngọc Đường và Tư Mệnh (cũng có lúc chữ Thiên Đức được đổi thành Bảo Quang).
Hắc đạo lục thần (6 vị thần ác Hắc đạo) gồm: Thiên Hình, Chu Tước, Bạch Hổ, Thiên Lao, Nguyên Vũ và Câu Trần.
Các thần Hoàng đạo, Hắc đạo, dựa vào thế lực của Thiên hoàng thượng đế mà có thần uy lớn vô hạn. Thiện thì không gì thiện hơn, mà đã ác thì cũng không gì ác bằng. Như hình và lao, vốn là những công cụ của kẻ thống trị dùng để trấn áp nhân dân, hình và lao hạ thế đã đáng sợ, hình và lao của nhà Trời thì sẽ càng đáng sợ biết nhường nào.
Vì vậy, những ngày mà các thần Hoàng đạo chủ trực thì mọi hung thần ác sát, thậm chí cả những cái mà nhân gian sợ nhất như Đại tướng quân Nguyệt hình, tất thảy đều phải lánh xa, cho nên làm gì cũng được đảm bảo đại cát đại lợi. Trái lại, ngày nào mà các thần Hắc đạo chủ trị, thì các thần bình thưòng khó mà ngăn được ác thần, vạn sự bất thành, nhất là các việc lớn như động thổ hưng công, xây cất nhà cửa, đi xa, dọn nhà, lấy vợ gả chồng,… đều phải tìm cách tránh xa, nếu không thì cả đời không thể thăng quan phát tài, xứng tâm vừa ý. Vì vậy, Hoàng đạo – Hắc đạo đã trở thành điều cần chú ý nhất trong việc chọn ngày của người đời. Ngày có thể mang lại đại cát đại lợi gọi là ngày Hoàng đạo, trái lại ngày mang lại hung họa tai ương gọi là “ngày Hắc đạo”.
Theo “Điệu tiên trửu hậu kinh”, hợp kỵ cát hung của các thần Hoàng đạo và Hắc đạo được mô tả như sau:
Các thần Hoàng đạo là:
– Thanh Long hoàng đạo: Thái ất tinh, Thiên quý tinh, có lợi cho việc tiến tới, làm việc gì cũng thành, cầu gì được nấy.
– Minh Đường hoàng đạo: Quý nhân tinh, Minh phụ tinh, có lợi cho việc gặp đại nhân, lợi cho việc tiến tới, làm gì được nấy.
– Kim Quỹ hoàng đạo: Phức đức tinh, Nguyệt tiên tinh, nên cưới gả, không nên sử dụng quân đội.
– Bảo Quang hoàng đạo: sao Thiên đức, rất hanh thông, làm việc thành công, có lợi cho việc tiến tới, xuất hành tốt.
– Ngọc Đường hoàng đạo: sao Thiếu vi, sao Thiên khai, trăm sự tốt, cầu gì được nấy, xuất hành được của, thích hợp với việc học hành, viết lách, có lợi cho việc gặp đại nhân, lợi cho việc an táng, không lợi cho việc bùn đất, bếp núc.
– Tư Mệnh hoàng đạo: sao Phượng liễu, sao Nguyệt tiên, từ giờ Dần đến giờ Thân làm việc đại cát, từ giờ Dậu đến giờ Sửu làm việc bất lợi, tức là ban ngày cát lợi ban đêm bất lợi.
Các ác thần Hắc đạo cần tránh là:
– Thiên Hình hắc đạo: sao Thiên hình, có lợi cho việc ra quân, đánh dẹp, đánh đâu được đó, còn mọi việc khác đều không tốt, rất kỵ việc kiện tụng.
– Bạch Hổ hắc đạo: sao Thiên sát, thích hợp cho việc ra quân, săn bắt, tế tự thì tốt. Các việc khác bất lợi.
– Chu Tước hắc đạo: sao Thiên tụng, lợi cho việc công, người thường thì hung, mọi việc cần kỵ, phải cẩn thận đề phòng tranh tụng.
– Thiên Lao hắc đạo: sao Trấn thần, việc về người âm tốt, mọi việc khác đều bất lợi.
– Nguyên Vũ hắc đạo: sao Thiêm ngục, quân tử cát tiểu nhân hung, kỵ kiện tụng, cờ bạc vui chơi.
– Câu Trần hắc đạo: sao Địa ngục, làm việc gì cũng chỉ có đầu không có cuối, vui trước buồn sau, không có lợi cho việc tiến tới, làm nhà, chôn cất mà phạm phải thì tuyệt tự.