Kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ lại tuần hoàn sinh kim, thế thì đâu là điểm dừng?.
Điều gì quyết định tính tốt xấu?
Nhiều người nghĩ ngay đến một tỉ lệ ngũ hành đầy đủ không bị khuyết thiếu. Nhưng như tôi viết ở bài trước, và bài này lại nhắc lại, rất nhiều tổ hợp năm tháng ngày giờ xuất hiện tình trạng thiếu ngũ hành, và nhiều mệnh nhờ thiếu hành nào đó thành quý cách.
Tôi lấy ví dụ mệnh TT Mỹ D.Trump
Càn tạo:
Bính Tuất – Giáp Ngọ – Kỷ Mùi – Kỷ Tỵ
Hành kim coi như không đáng kể, hành thủy khuyết hẳn. Nếu thế mà dẫn đến mệnh xấu thì tôi tin nhiều người muốn xấu như ông ta.
Ví dụ như vậy để thấy việc tính toán tỷ lệ ngũ hành theo toán học là vô nghĩa.
Vậy điểm gì trong bát tự khiến vòng luân chuyển ngũ hành này có thể trở nên giống với thực tiễn hơn? Đó là sự sắp xếp của can chi ở trong 8 cung. Chính việc sắp xếp này khiến cho kim có thể không sinh thủy, mộc có thể không sinh hỏa, hỏa có thể không sinh thổ, khiến cho kim có thể không khắc mộc, hỏa cũng có thể không khắc kim, khiến cho các ngũ hành có thể cạnh tranh, hoặc hỗ trợ nhau một cách phong phú và đa dạng. Luận bát tự Tử bình trở nên như một game chiến thuật bày binh bố trận, sinh động và tăng thêm khả năng biểu diễn sự thiên biến vạn hóa của cuộc sống.
Qua việc bày bố can chi thì có thể thấy sự tương tác của ngũ hành hết sức phức tạp, nhưng tuân theo vài nguyên tắc sau:
1. Càng gần càng tương tác mạnh.
Gần ở đây là khoảng cách giữa các can, can năm gần can tháng hơn với can ngày, vì vậy can năm tương tác với can tháng mạnh hơn với can ngày, can năm cũng bị can tháng tương tác lại mạnh hơn can ngày, can năm và can giờ tương tác khá yếu vì khoảng cách xa. Can tháng tương tác can năm và can ngày mạnh, tương tác với can giờ yếu hơn, các can khác và các chi khác cũng vậy.
Còn tương tác ở đây là quan hệ giữa 2 ngũ hành, là sinh hay khắc hay là tỷ hòa. Tương tác càng gần khiến cho ảnh hưởng đến nhau càng lớn.
2. Càng gần thì khả năng kết đảng càng mạnh
Khi nói đến hành thủy trong mệnh, thì tức là nói đến các can nhâm, quý thấu hay tàng ở 4 trụ, chứ không có phải có sẵn 1 khối thủy đồng nhất ở đó. Việc kết đảng thành công hay không ảnh hưởng đến sức mạnh yếu của ngũ hành. Nếu mệnh nào đó dùng thủy chế hỏa chẳng hạn, dùng phép tính điểm cứng nhắc thì có thể thấy mệnh đó thủy nhiều hơn hỏa, nhưng nếu hỏa dồn cục tại trụ tháng và ngày, còn thủy phân tán ở năm và giờ, lại bị thổ chặn đường khiến cho thủy này không thể kết đảng tiếp ứng cho nhau được cuối cùng không thể khắc hỏa được mà lại bị hỏa đánh cho tan tành giống như Viên Thiệu đánh Tào ở Quan Độ vậy.
3. Dù ngũ hành khắc chế nhau loạn xạ thì vẫn có thể tìm được phe cánh với nhau.
Càn tạo:
Tân Sửu – Ất Mùi – Kỷ Tị – Quý Dậu
Lấy ví dụ trên, Ất can tháng 1 bên bị Tân khắc 1 bên lại đi khắc Kỉ, Kỷ vừa khắc quý vừa bị Ất khắc. Vậy thì thế nào? Thổ kim liên kết lại, tương chiến với thủy mộc. Bên nào căn dày hơn thì thắng.
4. Hợp, xung có thể nối dài
Cũng theo nguyên tắc 1, những quan hệ đặc biệt này thì càng gần càng mạnh, nhưng nếu chúng cách ngôi thì sao? Chỉ là yếu đi 1 chút nhưng vẫn mạnh mẽ.