Ngũ hành tổng luận
Ngũ hành, bản tính ở giữa trời đất mà lưu thông bất tận vậy, do đó gọi hành.
Nghiên cứu mệnh lý, đầu tiên cần phải hiểu rõ ngũ hành là như thế nào? Ngũ hành tức là khí hậu của Xuân Hạ Thu Đông vậy, lưu hành ở giữa trời và đất, tuần hoàn không ngừng nghỉ, cho nên gọi là hành.
Tài Quan Ấn Thực… là tên gọi của Bát thần, cổ nhân lấy đó làm cơ sở đầu mối giúp cho việc học tập ban đầu, bởi thế mà thuận lợi cho việc bàn luận lành dữ. Nhưng luận sinh khắc, mỗi hành trong ngũ hành đều có chỗ thích nghi riêng, tính chất không giống nhau, không thể bàn luận tổng thể được, nói Tài Quan Ấn Thực không bằng nói trực tiếp ngũ hành cho tiện lợi, vì thế sách này chuyên luận ngũ hành, không nói đến Bát thần. Khí hậu trong bốn mùa, cổ nhân thay thế bằng Quẻ, gọi tên là Quẻ khí, sau đến triều đại nhà Hán, mới thay đổi thành Ngũ hành, sinh khắc, đặt tên gọi Ấn Tỉ Quan Quỉ…(xem Tử Bình Túy Ngôn), và nói Quẻ khí gộp với phương vị khí hậu. Thời nay khi luận ngũ hành cũng cần phải thông hiểu với ý của cổ nhân.
Phương Bắc âm cực sinh hàn, hàn sinh thủy. Phương Nam dương cực sinh nhiệt, nhiệt sinh hỏa. Phương Đông dương tán để tiết mà sinh phong, phong sinh mộc. Phương Tây âm ngừng lại, lấy dung nạp mà sinh táo (khô), táo sinh kim; Trung ương âm dương giao hòa mà sinh ôn (ấm), ôn sinh thổ. Ngũ hành tương sinh cũng là chỗ duy trì lẫn nhau, ngũ hành tương khắccũng là nơi hạn chế lẫn nhau, sự lưu luyến lẫn nhau như vậy gọi là Hữu Luân (có luân thường đạo lí, thứ tự nề nếp).
Lấy tên gọi ngũ hành đại diện cho Xuân Hạ Thu Đông, phối hợp với phương vị, là xuất phát từ tự nhiên. Phương Bắc Hợi Tý Sửu, là mùa Đông vậy. Phương Nam Tị Ngọ Mùi, là mùa Hạ vậy. Phương Đông Dần Mão Thìn, là mùa Xuân vậy. Phương TâyThân Dậu Tuất, là mùa Thu vậy. Mùa Đông âm hàn là thủy, mùa Hạ dương nhiệt là hỏa, mùa xuân dương hòa tán tiết là mộc, mùa Thu khí hàn quét sạch thu liễm lại thành kim. Thổ không có vị trí riêng, tại trung ương mà gửi ra bốn góc. Bốn góc chính là Cấn (Sửu Dần), Tốn (Thìn Tị), Khôn (Mùi Thân), Càn (Tuất Hợi), tức là ranh giới giao thoa của bốn mùa. Giao thoa của mùa Xuân và mùa Hạ, mộc khí chưa hết, hỏa khí đã tới, khí pha tạp đó cũng gọi là thuộc Thổ (Hạ, Thu, Đông cũng luận tương tự như vậy). Nếu thống nhất một năm mà luận Thổ, đến tháng Ngọ Mùi là vượng nhất, ý nghĩa cũng là ở giữa trung ương vậy. Theo thứ tự tương sinh, cũng bởi sự duy trì lẫn nhau cho nên nối tiếp không ngừng nghỉ; cách vị trí là tương khắc, cũng chính là ý nghĩa hạn chế lẫn nhau, vì thế “thịnh cực tắc suy, phủ cực tắc thái, vô vãng bất phục” (Ngũ hành cực thịnh thì suy, chưa đến cực thì nhiều, không đi thì không trở lại), đó là đạo trời, như luân thường đạo lý luôn không đổi, ngôn ngữ có trình tự nhất định vậy.
Nói đến tính chất của ngũ hành, cũng chính là nói ra hữu dụng tinh tế của nó, như tính chất của thủy là Trí, tính chất của hỏa là Lễ, tính chất của mộc là Nhân, tính chất của kim là Nghĩa. Riêng thổ chủ về Tín, xem trọng sự khoan dung phúc hậu uyên bác, không chỗ nào là không thể khoan dung, thủy dựa vào thổ mà chảy, mộc nương nhờ mà sinh trưởng, kim không được thổ thì không thể tự sinh ra, hỏa không đắc thổ thì không tự quay về, tất nhiên giảm đầy thì coi như thông suốt, làm trống rỗng thì cho rằng sáng tỏ, bởi vậy ngũ hành đều phải dựa vào Thổ.
Từ tính chất của ngũ hành mà suy ra sự hữu dụng của nó, tính thủy lưu động, tượng của thủy là Trí; tính hỏa là ánh sáng, tượng là Lễ; tính mộc dương hòa, tượng của mộc là Nhân; tính Kim nghiêm túc, tượng của nó là Nghĩa; tính Thổ chất phác, tượng của nó là Tín, khi lấy Ngũ hành phối hợp với Ngũ thường thì có tượng trưng này. Con người nắm lấy khí ngũ hành để sinh trưởng, theo thiên phú của ngũ hành mà hình thành cá tính riêng của mỗi người, cũng có điểm tương đồng, giống như kim thủy Thương Quan thì người đó tất thông minh tuyệt đỉnh; tính hỏa viêm thượng, sinh ở Đông Nam tất quyết đoán, hành động ngay, nếu ở Tây Bắc lại cẩn trọng kính phục tuân theo lễ nghi (xem Luận hỏa bên dưới). Khúc trực thành cách, tất nhiên là nhân ái sống thọ. Do thiên phú mỗi người mà suy ra tính tình, kẻ hèn thì chẳng khác xa với vẻ bề ngoài. Thổ không có vị trí riêng, nên bốn mùa đều có sự hữu dụng của nó, kim thủy mộc hỏa đều dựa vào thổ mà tồn tại, song tính thổ bởi một chữ quá dày trọng (vừa dày vừa nặng) mà kém sự linh hoạt, vậy cần giảm sự đầy chặt của thổ, làm nó trống rỗng thì mới có thể đạt được lợi ích, cho nên dụng thổ phải dựa vào kim mộc thủy hỏa mới thành.
Mở rộng đến hình sắc của ngũ hành, thủy màu đen, hỏa màu đỏ, mộc màu xanh, kim màu trắng, thổ màu vàng. Cùng với sự biến đối thì màu sắc mỗi hành không phải vậy, phải lấy màu sắc chính theo sinh vượng (đang sinh vượng thì chính khí đầy đủ, có thể thấy được màu sắc chân chính), Tử Tuyệt thì hướng theo màu sắc của mẹ (thủy là mẹ của mộc, mộc Tử Tuyệt thì màu đen; mộc là mẹ của hỏa, hỏa Tử Tuyệt thì màu xanh; hỏa là mẹ của thổ, thổ Tử Tuyệt thì màu đỏ; thổ là mẹ của kim, kim Tử Tuyệt là màu vàng). Nói đến ngũ hành Tử Tuyệt thì khí trở về gốc thì thấy màu sắc của mẹ, phàm là con người ta khi gặp phải khó khăn khổ sở, đều rên rĩ gọi mẹ, chính là ý nghĩa này. Hình dáng trưởng thành tới Quan đới (1) thì theo màu sắc của vợ, (từ tuổi thanh niên đến khi già yếu là khoảng thời gian nương nhờ vào vợ). Bệnh Bại thì theo màu sắc của Quỉ (nơi Bệnh, Bại là chốn của Quỉ vượng, khí thụ khắc thì quay về với Quỉ). Vượng, Mộ thì theo màu sắc của con (Vượng là phủ lên, Mộ là nhận vào, cho nên màu sắc theo con); theo số học thì thủy 1, hỏa 2, mộc 3, kim 4, thổ 5; Sinh Vượng thì gấp đôi, Tử Tuyệt thì giảm nửa, từ ý nghĩa mà suy ra.
Màu sắc ngũ hành, theo Sinh Vượng Tuyệt 12 cung mà biến hóa, Sinh Vượng là Trường sinh, Lâm Quan. Quan đới thành hình là Mộc dục, Quan đới. Vượng Mộ là Đế vượng, Mộ khố. Bệnh, Bại là vị trí Bệnh và Suy; Tử Tuyệt là vị trí Tử, vị trí Tuyệt gồm cả Thai, Dưỡng vậy. Số của ngũ hành, tức là con số của Hà Đồ vậy, lại lấy Sinh Vượng Tử Tuyệt mà suy ra tăng hay giảm.
Nói đến vạn vật dựa vào âm mà kết hợp dương, xung khí thì nên lấy bình hòa, thái quá và bất cập (không đủ) đều là trái đạo, bởi vậy nếu cao thì dùng ức chế làm cho bình phẳng, nếu thấp thì nâng lên cho cao, hoặc tăng thêm cho cái bất cập, hoặc làm giảm đi cho cái thái quá. Là bởi, cái quý ở sự điều hòa, trở về với đạo trung dung, khiến cho sự tích lũy không quá dư thừa mà cũng không quá thiếu thốn, chính là ý nghĩa sâu xa của Tài Quan Ấn Thực Quý nhân Dịch Mã vậy. Hành vận cũng vậy, lý thuyết mệnh lý như thế là nhớ được quá nửa rồi.
Âm dương một chính một phụ, vạn vật đều có âm dương, sinh trưởng đến thịnh, rồi đến suy lão bệnh tử, nhất khí tuần hoàn, chảy mãi không ngừng, do sinh rồi trưởng là dương, làm chính khí, do thịnh rồi đến suy lão bệnh tử là âm, làm thoái khí (tham khảo Tử Bình Túy ngôn). Ý nghĩa của mệnh lý không ngoài cái lý tăng, giảm làm cho vạn vật trở lại con đường trung hòa, chẳng để dư thừa hay không đủ mà thôi. Tài Quan Ấn Thực là danh từ đại diện cho ngũ hành sinh khắc chế hóa, Quý nhân Dịch Mã được xếp vào chủng loại Thần Sát cũng là do ngũ hành động tĩnh biến hóa mà có gọi tên như vậy. Nguyên mệnh hợp ở đạo trung hòa, không đợi đến vận mới phát, nguyên mệnh có khuyết thiếu thì nhất định phải chờ đến vận trợ giúp, cát hung lành dữ đều từ đó mà ra cả, lý lẽ của Tử Bình không ngoài những điều đã nêu trên.
(trích cùng thông bảo giảm – tubinhdieudung)